Trong cuộc sống, chúng ta ăn không chỉ để duy trì sự sống mà còn là cách cảm nhận niềm vui và tình yêu thương. Tuy vậy, trong cuộc sống, có những nỗi đau bao trùm trái tim, len lỏi một cách âm thầm, biến chuyện ăn uống – một điều tưởng chừng đơn giản nhất – thành một cuộc vật lộn tâm lý đầy khắc nghiệt. “Eat” (Khi nàng biếng ăn) mở ra một thế giới nội tâm phức tạp chồng chéo yêu thương và đau khổ, sự sống và hủy diệt.
Tác phẩm kể về mối tình đơn phương vô vọng của một chiếc tủ lạnh dành cho cô chủ trẻ. Chiếc tủ lạnh, với góc nhìn nhân hoá, miêu tả sự đau khổ và bất lực khi chứng kiến cô chủ ngày càng chìm sâu vào sự suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần, do chứng rối loạn ăn uống và nỗi đau gia đình.
Câu chuyện bắt đầu với việc chiếc tủ lạnh thầm yêu dáng vẻ mong manh của cô gái, nhưng bất lực khi thấy nàng dần tách mình khỏi ham muốn sống, thể hiện qua việc từ chối ăn uống. Bố của cô gái mắc bệnh ung thư thực quản, và nỗi đau về bệnh tật, trách nhiệm gia đình đã đè nặng lên nàng, khiến nàng ngày càng co rút trong thế giới của mình.
Chiếc tủ lạnh vừa là người quan sát, vừa là kẻ bất lực. Nó không chỉ lưu giữ thực phẩm mà còn lén lút theo dõi từng hành động của nàng với mong muốn hiểu và gần gũi nàng hơn. Tuy nhiên, mối tình ấy vô vọng khi nàng không bao giờ nhìn thấy nó là gì hơn một vật dụng vô tri.
Đỉnh điểm cảm xúc xảy ra khi gia đình nàng phải đối mặt với sự tan vỡ: bệnh tình của bố trở nặng, những bữa ăn không còn là biểu tượng của sự sum vầy mà trở thành mối bất hoà, và nàng hoàn toàn suy sụp khi những con cá trong vườn cũng chết do nàng lãng quên.
Tác phẩm khắc hoạ sâu sắc sự tàn phá của bệnh tật, nỗi cô đơn, và sự mong manh của con người trong những thời khắc đen tối nhất. Qua đôi mắt của chiếc tủ lạnh, câu chuyện trở nên độc đáo và đầy ám ảnh, khi vật vô tri lại mang nhiều cảm xúc hơn những con người xung quanh.
Tác phẩm được viết theo ngôi kể thứ nhất, nhân vật tôi không phải là một con người mà là một chiếc tủ lạnh kể lại câu chuyện theo góc nhìn của mình. Từ một vật vô tri, nhưng được nhân hóa, được phân bố cho những cảm xúc, suy nghĩ và góc nhìn riêng. Điều này giúp cho câu truyện trở nên mới lạ, thu hút người đọc. Cảm nhận từ một vật vô tri có thể làm sáng tỏ những khía cạnh của con người thường hay bỏ qua hoặc không để ý đến, khai thác tốt những tầng nghĩa ẩn dụ.
Mở đầu không phải là đi vào một hoàn cảnh hay tình hướng mà lại là trích dẫn câu nói từ tác phẩm Lưỡi của Jo Kyung Ran: “Con người luôn có xu hướng vận động về phía dễ chịu. Không may là do cấu trúc cơ thể, họ thường cảm nhận đau đớn nhiều hơn là khoan khoái.” Trong truyện ngắn, câu trích dẫn đã đặt nền tảng trước khi vào nội dung chính, tạo không khí và định hướng cho tác phẩm, tăng sức hút và khơi dậy sự tò mò cho người đọc.
Nối tiếp là lời kể bắt đầu của nhân vật “tôi” – chiếc tủ lạnh tưởng chừng chỉ là 1 vật vô tri vô giác. Từ chính nó, “tôi” – chiếc tủ lạnh đã trở thành biểu tượng của 1 nhân chứng thầm lặng cho bi kịch nội tâm của nhân vật “nàng”. Tủ lạnh không chỉ quan sát mà còn cảm nhận được sự đau khổ của nàng: Sự nhỏ bé, mong manh và quá trình tự hủy hoại bên trong.
“Vài lọn tóc lơ xơ phủ xuống cần cổ mảnh khảnh như một cái bình hoa nhỏ, xương quai xanh nhô lên sau lần áo tựa một nét vẽ bị đổ bóng quá đậm màu. Những ngón tay gầy guộc chỉ chực đưa lên bờ môi mím chặt. Bờ vai nàng mới nhỏ nhắn làm sao, dường như tôi có thể chứa ba lần nàng nếu sắp xếp hợp lý. Sau làn sương mỏng của sự tự làm tê liệt mình, đôi đồng tử mở to của nàng vẫn còn biết nói. Nó nói về sợi dây tinh thần mong manh luôn bị kéo căng quá độ, về sự bại hoại của mọi bộ phận từ trong ra ngoài cơ thể nàng – một sự hủy diệt diễn tiến từ từ mà chắc chắn, dẫn đến một cái kết bi kịch: Nàng ngày càng nhỏ bé hơn, cho đến khi tan biến khỏi thế giới này, như một bộ xếp hình bị rã đám, chỉ còn lại vụn vỡ nát tan. Ngày ấy rồi sẽ sớm đến thôi.”
Lời văn miêu tả cơ thể nàng vừa thực, vừa mơ như 1 bức tranh siêu thực đầy ám ảnh. Hình ảnh chiếc tủ lạnh bất động, lặng câm tạo nên 1 ẩn dụ đầy sức nặng về những khả năng trong biểu đạt cảm xúc hay mâu thuẫn nội tại trong việc yêu một người nhưng lại không thể giúp người đó thoát khỏi đau khổ.
Tình yêu của chiếc tủ lạnh không chỉ vì đơn phương mà còn vì sự vô cảm từ sâu trong đáy ánh mắt nàng. “Hay chăng nàng nhìn tôi mà chẳng thấy tôi; trong mắt nàng chỉ hiện lên một khối kim loại lạnh lẽo, vô hồn, một sự tồn tại mặc nhiên hiện hữu mà nàng chẳng muốn can hệ gì với nó?” Câu nói không chỉ hàm chứa sự tự ti mà còn là sự tuyệt vọng, gợi nhắc về 1 mối quan hệ không cần bằng, chỉ nghiêng về một phía.
Phần đầu tác phẩm, tác giả đã miêu tả tinh tế và giàu hình ảnh về những chi tiết cơ thể của nàng như là “Vài lọn tóc lơ xơ phủ xuống cần cổ mảnh khảnh như một cái bình hoa nhỏ, xương quai xanh nhô lên sau lần áo tựa một nét vẽ bị đổ bóng quá đậm màu...” làm thể hiện vẻ đẹp mong manh, gợi cảm nhưng lại chất chứa nỗi đau. “...như một bộ xếp hình bị rã đám...” là hình ảnh ẩn dụ cho sự tan vỡ về thể chất lẫn tinh thần, khong chỉ cả cơ thể của “nàng” mà còn về cả mối quan hệ của họ. “Rồi nàng bỏ đi, để tôi lại trong bóng tối lạnh lẽo của chính mình...” :Cảnh nàng bỏ đi, để lại tủ lạnh trong bóng tối, thể hiện cách biệt không thể kết nối lại giữa con người và những thứ họ coi là “không đáng để quan tâm.” Đây cũng là 1 lời nhắc về sự thờ ơ trong mối quan hệ hiện đại.
---
“Tôi” bắt đầu kể về việc mình đã chăm sóc từng món thực phẩm không chỉ vì chức năng bảo quản của mình mà còn là vì tình yêu đối với nàng. Sự tận tâm ấy thể hiện ở những chi tiết như “Túi bánh mì gối đối diện ánh mắt nàng, tôi đã giữ hơi ẩm để chúng mềm mịn như vừa mới ra lò. Những hộp sữa ở cánh tủ được tôi bảo quản sao cho chúng luôn mát lành, sóng sánh. Những quả chín khó chiều đến mấy vào tay tôi vẫn tươi ngon chẳng khác nào chúng hẵng còn đang treo lúc lỉu trên cành...” Không chỉ thế, “bất cứ thứ gì được đưa vào trong tôi, tôi đều lén gắn “con mắt do thám” lên chúng...” Hành động này là ẩn dụ sáng tạo cho nỗi khao khát muốn được gần gũi. Tuy nhiên, sự phất lờ của “nàng” đối với món ăn làm tủ lạnh đau khổ, bất lực và chấp nhận tình yêu đơn phương không được đền đáp này.
Nhân vật nàng được miêu tả u ám, năng trĩu như “những đám mây báo hiệu trời mưa”. Từ đó khắc họa về 1 con người sống trong sự mệt mỏi và trống rỗng. Hành động “ném vung vãi những con sâu xuống bể cá tiểu cảnh ngoài trời” với “vẻ ghê tởm chẳng kém” thể hiện sự bất mãn, chán ghét hiện thực. Nhưng rồi nàng lại mềm lòng khi nghĩ đến những con cá và sự gắn bó của chúng đối với người bố đang vắng bóng. Sự mâu thuẫn này đã làm nổi bật nội tâm phức tạp, nơi nàng bị giằng xé giữa cơn giận và nõi nhớ thương. Chi tiết “tiếng bước chân nàng giẫm lên lá vang lên khô khốc” tạo nên 1 không gian đầy hương hoải, phản ánh sự lạnh lẽo, trống trải trong tâm hồn nàng.
Những chi tiết “lá vang lên khô khốc”, “khu vườn im lìm đón tiết Lập xuân” hay “cơn giận ấy nhanh chóng xẹp xuống như một quả bóng hết hơi” gợi lên không gian vừa cụ thể, vừa trừu tượng. “Hôm nay lại là một ngày nàng chẳng ăn gì” thể hiện tâm lý thiếu vắng động lực sống, khi tâm hồn đã no nê nỗi buồn nhưng lại đói khát sự an ủi, kết nối.