Tính giai cấp trong xã hội Đông phương qua “Lời Quản Trọng tiếp kiến Tề Hoàn Công” - Phần 1

Ngày đăng 28/11/2024
1845 Lượt xem

Tính giai cấp trong xã hội Đông phương qua “Lời Quản Trọng tiếp kiến Tề Hoàn Công” - Phần 1

Bào Thúc tiến Quản Trọng lên Hoàn Công. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng chính trị và gây dựng kỷ cương trong nước. Trọng thưa: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn mối lập kỷ cương.”

- Làm thế nào sai khiến được dân?

- Muốn khiến dân trước phải yêu dân.

- Đạo yêu dân thế nào?

- Trên dưới cùng sửa sang, cùng giúp nhau, cùng chia lợi lộc, dùng người hiền, chỉnh lệnh nghiêm.

- Cách sử dân như thế nào?

- Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân, con kẻ nào nối nghiệp kẻ đó, luyện tập, yên phận, chớ đổi nghề, thì dân yên.

- Nước nghèo thì làm thế nào?

- Đào núi lấy tiền, gạn bể lấy muối, đem giao thông thu tài vật thiên hạ về, thì giàu.

Vua tôi cùng nhau đàm đạo suốt ba ngày không chán, rồi Hoàn Công bái Quản Di Ngô lên làm tướng quốc, trong có vài năm mà nước Tề nên được nghiệp Bá.

 

Xã hội phương Đông lấy tam giáo làm căn cốt, đó là: Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo. Trong đó, đường lối chính trị chủ yếu nằm ở Nho giáo. Tuy có thời điểm “tam giáo đồng nguyên”, lại có thời từng đạo được lấy làm then chốt. Nhưng suy cho cùng, thứ bậc tôn ti mỗi thời đại đều lấy Nho giáo làm trọng điểm.

Nho giáo hiểu đơn nghĩa là lý thuyết dùng để trị quốc của bậc đế vương, quan trọng tôn ti phép tắc. Bởi, nếu không có tôn ti phép tắc, tức chẳng có lễ nghĩa để người người tôn kính bậc đế vương

Một trong những đặc tính giai cấp nổi bật trong Nho giáo chính là hình thức phân chia nhân dân ra thành “Tứ dân”. Tứ dân bao gồm: Sĩ - Nông - Công - Thương

Sĩ - tức là những người có học thức trong xã hội, họ là những người được ăn học đàng hoàng, có tri thức và có tiếng nói. Những người này được xã hội trọng vọng, mưu cầu của họ là ăn học thành tài. Chí tiến thân của họ chính là trông chờ vào các kì thi của triều đình. Nhằm đỗ đạt làm quan để phụng sự cho đất nước. Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần đỗ tú tài, họ đã có thể trở thành ông đồ và mở lớp dạy học, vẫn đủ để êm ấm 1 đời.

Nông - tức là những người có nguồn tiền cố định dựa trên mảnh ruộng vườn cha ông để lại. Họ dựa vào sinh kế ở quê vẫn có thể sống sung túc cả đời, không phải lo lắng thế sự đổi thay. Nghề nông trong xã hội phương Đông xưa được xem trọng thứ 2 chỉ sau kẻ sĩ. Từ đó, có thể thấy nông nghiệp là 1 ngành nghề cực kì trọng yếu đối với xã hội thời bấy giờ.

Đối với tôi, xét riêng về 2 tầng lớp kẻ sĩ và kẻ nông, tôi vẫn luôn cảm thấy kẻ nông có nét nhỉnh hơn. Mặc dù xét đến cùng kẻ sĩ mới là người cao quý, nhưng kẻ sĩ vốn dĩ không có điểm tựa vững chắc bằng kẻ nông. Kẻ sĩ dựa vào tài học vấn, quả thật trí óc của họ chẳng thể nào bị kẻ trộm mang đi mất. Nhưng khi đỗ đạt thành tài, ra làm quan vẫn phải dựa vào thế cục đổi thay của xã hội. Chưa kể chốn quan trường hiểm nguy, bản thân có giữ được đức liêm khiết hay không cũng chẳng thể nào khẳng định. Nhưng dẫu trong sạch thì đã sao? Thế sự lâu nay vẫn luôn tồn tại những vị quan tài ba với chí khí tôn quý bị người đời vùi dập hãm hại. Mang lấy cái oan sai mà phải đến khi mọi sự vỡ lở mới được rửa oai. Như cái oan của cụ Nguyễn Trãi, có được rửa sạch thì gia môn cũng đã bị tiêu diệt gần hết. Quả là một chuyện đáng buồn!

Công - tức chỉ những người làm thủ công nghiệp. Họ vốn không có “mảnh đất cắm dùi” để phòng thân lỡ khi lâm vào đường cùng. Chỉ giữ cái nghề nghiệp trong tay bằng sức lao động, nhưng sức lao động lại là 1 thứ không ai có thể nói trước được. Ngày nay khỏe khoắn cũng không thể nói trước mai kia có còn duy trì được hay không? Vì thế, giai cấp này được đánh giá vào hạng thứ 3 trong xã hội, thấp hơn kẻ sĩ và kẻ nông 1 bậc. Nhưng vẫn còn cao quý hơn 1 hạng người, đó là Thương

Thương - tức chỉ những người làm ăn buôn bán, họ là những người mua đi bán lại. Trong xã hội quan trọng nông nghiệp như phương Đông ngày xưa, việc không tạo ra của cải mà chỉ mua chỗ này rồi bán lại ở chỗ khác để kiếm phần lời từ tiền chênh lệch bị coi khinh rất nhiều. Bởi vậy, người làm ruộng thì được gọi bằng “lão nông” chứ người buôn bán lại bị gọi là “con buôn”. Quả thật hoàn toàn trái biệt với thời nay. Ở xã hội hiện đại, những người làm kinh tế lại chính là giai cấp nắm giữ vị thế đặc biệt, khi đồng tiền trong tay họ chính là thứ chi phối cách vận động của xã hội

Dân được xếp vào hàng thương tuy thấp, nhưng cái được chính là vẫn còn chỗ đứng trong xã hội. Hơn hẳn những cấp bậc bị xem là “hàng ti tiện”, những người đó thậm chí còn không được xếp vào hàng tứ dân, và bị coi khinh ở khắp mọi nơi. Hơn nữa, còn bị gọi bằng cái tên mang hàm ý miệt thị là “bọn phường chèo, con hát”.

 

 

 



Bài viết cùng tác giả


Bài viết cùng Chủ đề Quản Trọng - Tề Hoàn Công


Bài viết cùng Chuyên mục Nghị luận lịch sử